Lướt qua các cuộc tranh luận gần đây về “expedite” (xét duyệt ưu tiên), hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng việc ưu tiên xét duyệt hồ sơ I-526 đang chờ thụ lý tại USCIS là một khái niệm mới. Nhưng không, USCIS từ lâu đã quy định rõ các trường hợp được phép “ưu tiên xét duyệt” trong USCIS Policy Manual của mình tại chương 12: Yêu Cầu Xét Duyệt Ưu Tiên. Việc ưu tiên thụ lý hồ sơ đã được các luật sư di trú cựu chiến binh – các “Geezers”, theo như cách gọi của Eugene Chow – đã làm trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, điều chúng ta đang nói đến là khái niệm “expedite” xuất hiện gần đây trong lĩnh vực đầu tư di trú EB-5, dưới sức ép của lượng hồ sơ tồn đọng khổng lồ từ USCIS, và được một số hãng luật hàng đầu Mỹ chủ động truyền thông gần đây. (đây là một ví dụ về một công ty nội địa Mỹ đã truyền thông về sức mạnh “expedite” của họ, được đăng tải từ 5 năm trước, giới thiệu rằng họ là đơn vị “độc nhất có thể làm được việc này, và họ còn có cả dịch vụ vận động hành lang để phục vụ khách hàng”; nhưng giờ đây, càng lúc càng có nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu về “expedited processing services” – dịch vụ xét duyệt ưu tiên).
Văn bản luật đã liệt kê các hạng mục ưu tiên một cách rõ ràng, và có lẽ tôi không cần trích dẫn tại đây. Về bản chất, USCI S có thể ưu tiên xét duyệt một hồ sơ vì nhiều lý do. Đó có thể là vì trường hợp khẩn cấp, lý do nhân đạo, hay lợi ích quốc gia, v.v. Tuy nhiên, còn một điều quan trọng khác nhưng không được ghi chú cụ thể trong luật đó là, tất cả các yêu cầu đều nhằm giúp cho các nguồn vốn EB-5 được giải ngân sớm cho dự án… và đó là lý do khái niệm ăn theo “expedite” được sử dụng. Vậy nên, việc USCIS bỏ qua các bước kiểm duyệt hồ sơ I-526 gắt gao, chi tiết theo từng trường hợp, tuân thủ quy định và yêu cầu của USCIS, cho tất cả các nhà đầu tư của một dự án được chấp thuận “expedite”, là điều lần đầu tôi nghe đến.
Tôi không quan ngại về việc USCIS nới lỏng các quy định của mình, mà thực ra tôi còn khuyến khích việc đó. Tuy nhiên, điều khiến tôi không yên tâm đó là một số dự án may mắn có được một vài hồ sơ được ưu tiên xét duyệt đã tranh thủ khuếch trương sự may mắn đó và làm hoang mang mọi người về khả năng nhà đầu tư có thể vượt qua các quy trình xét duyệt thông thường để sớm có thẻ xanh nếu đầu tư vào dự án của họ, và chỉ riêng họ, vì họ được ưu ái đặc biệt bởi USCIS.
American Venture Solutions hiện tại vẫn đang là Trung Tâm Vùng duy nhất có văn phòng đại diện chính thức, toàn thời gian tại Hồ Chí Minh, và chúng tôi đã chào đón những nhà đầu tư EB-5 đầu tiên của mình từ năm 2011. Và từ đó đến nay, tôi vẫn đều đặn trở về Việt Nam mỗi tháng. Tháng 6 vừa qua, khi tôi trở về Việt Nam, tôi đã nhận được những tin nhắn và cuộc gọi của nhà đầu tư về hiện tượng một dự án tuyên bố hồ sơ I-526 được chấp thuận sau 3 tháng. Tôi đã chứng kiến rất nhiều những hình thức quảng cáo gây nhầm lẫn tương tự trong nhiều năm qua, và mỗi lần như vậy, tôi đều muốn chia sẻ góc nhìn chuyên môn của mình nhằm giúp các nhà đầu tư có cái nhìn đa chiều hơn về vụ việc và cũng như có thể tự đối chiếu với những thông tin được truyền thông. Và đối với vụ việc vừa qua, tôi đã đăng tải một bài viết chia sẻ về khái niệm “expedite processing” và cách thức hoạt động của chương trình này, cũng như điểm qua các điều khoản quy định trong luật Mỹ cảnh báo rằng:
- Một Trung Tâm Vùng với một vài hồ sơ I-526 được ưu tiên xét duyệt nhanh không thể hứa hẹn hay đảm bảo rằng các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai của họ cũng có được thời gian xét duyệt ưu tiên tương tự.
- Việc sử dụng lời quảng cáo “ I-526 trong 3 tháng” đã cấu thành sai phạm “xúi giục đầu tư” theo luật chứng khoán Mỹ.
- Cuối cùng, cho dù Giám Đốc USCIS đã tự ký cam kết ưu tiên xét duyệt 3 tháng hồ sơ I-526 cho tất cả các nhà đầu tư dự án và bằng văn bản (mà đã không xảy ra trong trường hợp của dự án vừa qua), thì ngày duy nhất quyết định tiến độ hồ sơ thẻ xanh EB-5 là “Ngày nộp hồ sơ” – hay còn gọi là Ngày ưu tiên “Priority Date” – không phải là ngày mà hồ sơ I-526 được chấp thuận. Nói cách khác, khi tình trạng tồn đọng hồ sơ EB-5 khiến nhà đầu tư phải đối mặt với hàng chờ lên đến nhiều năm, thì việc hồ sơ I-526 được chấp thuận trong 3 tháng hay trong 1.5 năm cũng sẽ không ảnh hưởng đến thời gian thụ lý hồ sơ EB-5.
Sau bài viết đó, tôi đã có cuộc hội thoại với cây bút xuất sắc của ngành EB-5 Suzanne Lazicki và một cuộc trao đổi trực tiếp với cả chủ dự án EB-5 kia và các cố vấn pháp lý EB-5 hàng đầu của họ (những người cũng đã xác nhận với tôi rằng việc USCIS cấp phép trước cho một vài hồ sơ I-526 trong vài tuần, không có nghĩa là dự án có thể cam kết một điều tương tự với tất cả các nhà đầu tư khác trong tương lai). Và vừa rồi, tôi đã đồng ý gỡ bỏ bài viết của mình sau khi dự án đã thừa nhận và điều chỉnh lại lời quảng cáo cố ý gây hiểu lầm trên trang web của họ. Tuy nhiên, các đơn vị môi giới cho dự án tại Việt Nam vẫn kiên quyết duy trì hình thức quảng cáo trên. Vì thế, tôi sẽ chia sẻ thêm những bài viết khác nhắc lại những sai phạm luật chứng khoán và di trú Mỹ mà bất kỳ dự án EB-5 cố gắng cam kết với nhà đầu tư của mình về tiến độ thụ lý hồ sơ của USCIS trong tương lai đều có thể gặp phải.
Có thể những nỗ lực của tôi không thể khiến các đơn vị tư vấn môi giới EB-5 từ bỏ mánh lới quảng cáo sai phạm lâu nay, nhưng chắc chắn cũng đã tác động được phần nào đến ý thức tuân thủ luật pháp chung của họ. Hiệu ứng “expedite” vẫn đang tiếp tục tiếp diễn. Nhiều luật sư di trú khác gần đây cũng đã bắt đầu đăng tải quan điểm của mình về việc một vài hồ sơ xin ưu tiên xét duyệt cho một dự án cũng có thể dẫn đến USCIS đồng ý ưu tiên xét duyệt tất cả hồ sơ I-526. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc USCIS ưu ái ưu tiên cho các dự án thuộc vùng TEA thực sự, những dự án được phát triển tại những nơi cần khuyến khích tạo công ăn việc làm, và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tôi sẽ không đồng tình với kết luận rằng chỉ vì USCIS có quyền trực tiếp quyết định quy trình xét duyệt hồ sơ của mình (bao gồm ưu tiên xét duyệt tất cả hồ sơ I-526 cho một dự án), mà USCIS có thể bỏ qua quy trình thẩm định yếu tố ưu tiên từng hồ sơ cụ thể cho một dự án EB-5. Từ khi nào mà những thay đổi không chính thức trong chính sách xét duyệt của USCIS có thể thay thế và loại bỏ những quy định pháp luật vẫn còn hiệu lực và đã tồn tại từ lâu đang áp dụng đối với các dự án EB-5 chất lượng khác, đang tuân thủ chặt chẽ quy định của chính phủ. Tôi cho điều này là không thoả đáng. USCIS lẽ ra cũng cần cấp “xét duyệt ưu tiên” đối với những dự án ít ỏi thuộc vùng TEA thực sự trên cả nước, hoặc chí ít cung cấp văn bản hướng dẫn quy trình cụ thể để dự án có thể đăng ký và tham gia chương trình này.
Hiện tượng “expedite” cho thấy, Trung Tâm Vùng và Dự Án EB-5 là các đơn vị chính chịu trách nhiệm trong việc quảng cáo và truyền thông chương trình đầu tư EB-5 của mình, tuân thủ theo đúng luật và quy định của SEC ( Uỷ Ban Chứng Khoán Mỹ). Các đơn vị cần chú ý tránh hứa hẹn và cam kết đảm bảo thời gian xét duyệt, thụ lý hồ sơ của USCIS. Xét về khía cạnh đầu tư, Uỷ Ban Chứng Khoán Và Giao Dịch Mỹ đã yêu cầu các đơn vị phát hành cổ phiếu/ chào bán cổ phần phải tuyên bố rằng “kết quả trong quá khứ không đảm bảo thành quả trong tương lai” (past performance is no guarantee of future results). Đối với những khách hàng EB-5 tiềm năng, những người mà mục đích đầu tư chính của họ là giành được tấm thẻ xanh cho mình và gia đình tại Mỹ, thì điều này sẽ càng khiến họ chịu nhiều rủi ro hơn trước những lời quảng cáo hoa mỹ, dễ gây nhầm lẫn như vừa qua.